Sự nghiệp Lê_Văn_Hưu

Năm Đinh Mùi (1247), niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời vua Trần Thái Tông; Lê Văn Hưu đi thi, đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam khôi. Nguyễn Hiền 13 tuổi đỗ Trạng nguyên. Đặng Ma La 14 tuổi đỗ Thám hoa.[1]

Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó được phong chức Hàn lâm học sĩ [2] kiêm Giám tu quốc sử [3][4]. Ông cũng là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải.

Biên soạn sách Đại Việt sử ký

Xem thêm thông tin: Đại Việt sử ký

Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử (大 越 史)[5] - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế - tức Triệu Đà - cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử, tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.[1]

Theo sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Việt Nam sử lược, bộ Đại Việt sử hay Đại Việt sử ký là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Sau khi xâm lược Đại Ngu, nhà Minh đã đưa sách của nước Nam về Trung Quốc, trong đó có 30 quyển Đại Việt sử ký, những sách ấy đã thất lạc.[6]

Trần Trọng Kim viếtː Hai trăm năm mươi năm sau, sử quan Ngô Sĩ Liên, đời vua Lê Thánh Tông, soạn lại bộ Đại Việt sử ký chép từ họ Hồng Bàng đến vua Lê Thái Tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời thượng cổ.[6]

Đến nay bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 29 đoạn ghi: "Lê Văn Hưu viết...". Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỉ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi."